Đặng Hồng Ân, Thành hoàng làng Phả Lê

Đặng Hồng Ân, Thành hoàng làng Phả Lê

Làng Phả Lê còn gọi là làng Xe, xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ngài có công giúp vua Hùng 18 đánh bại Thục Phán. Sinh ngày mồng 4, tháng Giêng, năm Nhâm Thìn, hóa ngày ngày 15, tháng 8.

Vua ban chiếu cho nhân dân lập đền thờ, truy phong thần hiệu và mĩ tự cho cha mẹ.

Từ đấy về sau tỏ rõ linh ứng nên được nhiều đời vua chúa phong tặng mĩ tự, cho phép trang Phả Lê, trang Thục Cầu phụng sự thần.

Thời Trần Thái Tông, quân Nguyên xâm lược, vây hãm kinh thành. Trần Quang Khải phụng mệnh cầu đảo bách thần đã đến cầu ở đền thờ Đại Vương, được âm phù. Sau khi dẹp được giặc Ô Mã Nhi, Vua Trần phong mĩ tự: “Anh triết, Linh hựu, Trợ thuận, Đại vương”.

Lê Thái Tổ khởi nghĩa diệt quân Minh, chém tướng Liễu Thăng. Sau khi lấy lại nước, gia phong mĩ tự: “Phổ tế, Cương nghị, Anh linh, Hùng kiệt, Đại vương”. Sắc cho khu Phả Lê, Thục Cầu trùng tu miếu điện để phụng sự, tôn thờ.

Lệ giỗ chính, phía trên, một mâm cỗ chay, phía dưới là xôi, thịt, rượu, ca hát 3 ngày. Ngày hóa: Ngày 15, tháng 8, giỗ chính, sửa lễ như ngày sinh, thêm bánh giầy trắng. Ngày giỗ cha mẹ: Ngày 5, tháng 7, lễ sắm như ngày lễ trên.

Đặng Hồng Ân, Thành hoàng làng Phả Lê

Đình Phả Lê được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1995. Phía trước đình có ao lớn và lạch nước bên trái, tạo thành dải đất “tả thanh long”. Phía sau đình là con đường tự nhiên hình con xà bao quanh hậu cung. Địa hình đó, đình Phả Lê được đặt trong thế đắc địa “long xà hợp thành”. Tạo nên thế đất phúc trạch bền vững. Đình có kết cấu mặt bằng hình chữ đinh (丁). Tòa đại bái kết cấu kiểu trụ vuông, hệ thống mái mở rộng kiểu thượng tam hạ tứ, tạo dáng lòng thuyền. Triền mái thẳng, nhưng hếch lên ở góc mái như hình mũi thuyền của nền văn hóa sông nước. Hậu cung 3 gian nối liền với đại bái bằng kết cấu chèo góc chạy từ đầu hai cột cái gian giữa về phía sau. Kết cấu hậu cung theo kiểu chồng rường. Điêu khắc mĩ thuật còn tương đối đồng bộ. Những mảng chạm khắc trong đình, thể hiện đề tài tứ linh mang phong cách nghệ thuật đời Hậu Lê, thời Nguyễn. Mặt chính các bức cốn, tạo long quần. Mặt bên của hai bức cốn chạm hình chim thú, hoa lá, biểu tượng của bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông khá sinh động. Về bố cục, các bức chạm khắc theo quy thức đăng đối. Về kĩ thuật chạm khắc, nghệ nhân thể hiện kĩ thuật chạm bong kênh, chạm nông và chạm thủng. Các hình khối lớn như đầu rồng, đầu long mã được ghép mộng tinh xảo. Đình Phả Lê qua nhiều lần tôn tạo, nhưng vẫn giữ được kết cấu truyền thống, đơn giản nhưng chắc chắn. Kĩ thuật chạm khắc có sự tiếp nối từ thời Hậu Lê sang thời Nguyễn nhưng vẫn bảo tồn được nghệ thuật chạm khắc tinh xảo.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *