Họ Đặng vinh quang trải suốt các triều đại từ Lý đến Lê sơ

Họ Đặng vinh quang trải suốt các triều đại từ Lý đến Lê sơ

Họ Đặng là dòng họ có 63 tiến sĩ Nho học và nhiều danh thần các triều đại, đặc biệt từ triều Lý đến triều Lê sơ. Thời Lý, cụ Đặng Phúc Mãn quê gốc ở lộ Ứng Thiên, nay là vùng hữu ngạn sông Đáy (Hát Giang), đi xây hành cung vua Lý, có công, được vua ban lộc điền ở An Đề, nay là huyện Vũ Thư, Thái Bình. Vào đời nhà Lý, Vũ Thư là một bãi bồi đất tốt rộng mênh mông. Các vương hầu nhà Lý thường lập điền trang, thái ấp ở đấy.

Họ Đặng là dòng họ có 63 tiến sĩ Nho học và nhiều danh thần các triều đại, đặc biệt từ triều Lý đến triều Lê sơ.

Thời Lý, cụ Đặng Phúc Mãn quê gốc ở lộ Ứng Thiên, nay là vùng hữu ngạn sông Đáy (Hát Giang), đi xây hành cung vua Lý, có công, được vua ban lộc điền ở An Đề, nay là huyện Vũ Thư, Thái Bình. Vào đời nhà Lý, Vũ Thư là một bãi bồi đất tốt rộng mênh mông. Các vương hầu nhà Lý thường lập điền trang, thái ấp ở đấy.

Trên thái ấp của mình, cụ Đặng Phúc Mãn sinh ra trưởng nam Đặng Nghiêm. Cụ Đặng Nghiêm là người thông minh, tuấn tú, học hành tài giỏi. Năm Ất Tỵ (1185), đời Lý Cao Tông, Đặng Nghiêm thi đậu kỳ thi chọn người giỏi thi thư, trở thành người khai khoa cho họ Đặng, cũng là người khai khoa cho xứ Sơn Nam gồm các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và một phần Hà Nội ngày nay.

Năm 2007, Viện Khoa học lịch sử cùng với các cơ quan nghiên cứu ứng dụng phả học đã tổ chức hội thảo khoa học về Cụ Đặng Nghiêm. Các nhà khoa học có nhiều báo cáo đánh giá công lao của Cụ trong vấn đề nghiên cứu tam giáo (Nho, Lão, Phật). Tại cuộc hội thảo, dòng họ Đặng đã được tặng bức tượng đồng của Cụ Đặng Nghiêm.

Cụ là người được ghi tên thứ 5 trong danh sách các nhà khoa bảng Việt Nam suốt nghìn năm lịch sử của nước Việt Nam tự chủ. Ngày nay tại An Để, huyện Vũ Thư, vẫn còn nhà thờ Đặng Nghiêm và hậu duệ của Cụ.

Tỉnh Thái Bình đã đặt tên Đặng Nghiêm cho một đường phố lớn, đẹp ở cạnh sông Trà Lũ.

Nối tiếp truyền thống, hậu duệ của cụ Đặng Nghiêm rất hiển đạt. Thời kỳ đầu nhà Trần, xuất hiện các nhà khoa bảng: Đặng Diễn đậu Nhị giáp khoa thi Thái học sinh (tức Tiến sĩ) năm Kiến Trung thứ 8 đời Trần Thái Tông (1232).

Đặc biệt là Đặng Ma La đậu Thám hoa khoa thi năm Đinh Mùi niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (1247) khi cụ mới 14 tuổi (là nhà khoa bảng trẻ tuổi thứ hai sau Nguyễn Hiền 13 tuổi). Đặng Ma La hiện có đền thờ rất lớn ở Hàng Kênh, Hải Phòng và là nhân vật tiêu biểu nhất được thờ ở Văn miếu làng Tốt Động, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Nhiều con cháu cụ Đặng Ma La được cử đi sứ nhà Nguyên, như Đặng Hữu Điềm, Đặng Nhữ Lâm.

Từ cuốn sách viết về thiên văn và làm lịch của Trung Quốc, hai cha con cụ Lâm, cụ Lộ đã miệt mài nghiên cứu chế ra Lung Linh nghi, một dụng cụ để khảo sát thiên tượng mà Đại Việt Sử ký toàn thư ghi là rất linh nghiệm.

Cụ soạn ra lịch Hiệp kỷ và xin Vua bỏ lịch Thủ thời là lịch mà nhà Nguyên, nhà Minh thường dùng, để dùng lịch Hiệp ký của ta. Nhiều sách vở đã ca ngợi cụ Đặng Lộ ở Chương Đức là nhà khoa học tự nhiên sớm nhất của nước ta. Con trai cụ Đặng Lộ là Thái Bảo Hậu nhân hầu Đặng Bá Kiển đã đi làm quan và di cư vào cư trú ở phía nam núi Hồng Lĩnh, tạo thành một chi họ Đặng ở đất Hoan Châu. Hai cha con Đặng Tất, Đặng Dung là cháu cụ Đặng Lộ làm quan thời nhà Trần ở đất mới Hóa Châu. Suốt đời cụ gắn bó với vùng đất mới.

Tháng 2 năm Tân Mùi (1391) Hồ Quí Ly đem quân vào Hóa Châu tuần tiễu. Tháng 8 năm đó (1391) Hồ Quí Ly cử Đặng Tất làm Châu phán, Hoàng Hối Khanh làm Chính hình viện Đại phu cai quản Hóa Châu. Từ đây Đặng Tất và Hoàng Hối Khanh có nhiều quan hệ gắn bó…

Sau này, khi quân xâm lược nhà Minh kéo sang, cha con Đặng Tất, Đặng Dung và nhiều người con họ Đặng khác đã đứng lên phò Trần Ngỗi, con thứ của Nghệ Tông nổi lên ở Mộ Đỗ xưng là Giản Định Đế.

Nhưng rồi Giản Định Đế bị kẻ xấu gièm nên đã giết Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Vì thế Đặng Dung, con trai của Đặng Tất mới tôn lập Trần Quý Khoáng lên ngôi, tức Trùng Quang Đế. Dù cố gắng kháng chiến nhưng kết cục, Trùng Quang Đế và Đặng Dung vẫn bị giặc Minh bắt giải về Kim Lăng, Trung Quốc.

Trên đường đi, các ông đã tuẫn tiết. Để tưởng nhớ cha con Đặng Tất, Đặng Dung, tại Hà Nội đã có tên đường các vị danh nhân này. Em ruột Đặng Dung là Đặng Thiết, Đặng Quang theo gương cha, anh khởi nghĩa cũng bị thất bại…

Một số hậu duệ của Đặng Dung, trốn lên vùng Sơn Vi, Mão Phổ và sinh cơ lập nghiệp ở đây, sinh ra một dòng tộc mà thời Lê sơ có rất nhiều người đậu tiến sĩ đó là: Đặng Thiếp, đậu Hoàng giáp khoa Quí Dậu niên hiệu Thái Hòa 11(1453); Đặng Tông Củ, đậu Đệ tam giáp, đồng Tiến sĩ khoa Giáp Tỵ niên hiệu Hồng Đức 15 (1484); Đặng Minh Khiêm đậu Hoàng giáp khoa Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức 18 (1484).

Một số con cháu khác của họ Đặng ở Can Lộc sau thời loạn di chuyển về Nghệ An sinh ra dòng họ Đặng Minh Bích.

Đặng Minh Bích quê ở Bạch Đường nay, là Đô Lương, đậu Tiến sĩ khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức 15 (1484), làm quan đến Thượng thư. Ông còn để lại đến 22 bài thơ in trong Toàn Việt thi lục. Ông có nhiều con đỗ Hương cống và đều tham gia chống Mạc, phù Lê. Một chi nữa là con cháu Đặng Tất ở Nghệ An đã sinh ra Đặng Sĩ Vinh. Đăng Sĩ Vinh là con trai Quận công Đặng Nhân Ngôn.

Ông đậu khoa Hoành Từ (tương đương Tiến sĩ). Ông được tôn là một trong “Nghệ An tứ hổ”. Khi đang làm tri phủ Thiệu Thiên (nay là Thiệu Hóa), bất bình với việc quan lại tham nhũng, ông cáo bệnh về quê mở trường dạy học.

Ông có đông học trò thành đạt và có nhiều thông gia là những danh gia vọng tộc ở đất Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Do danh tiếng của ông, triều đình lại cử ông ra làm quan, thăng lên đến tước Thiếu bảo Liêu Quân công đô ngự sử, khi mất được phong làm Phúc thần. Ông sinh ra một dòng họ rất đông ở Nghi Xuân.

Dòng họ này có nhiều người thành đạt đã tham gia cùng nghĩa quân Tây Sơn. Họ Đặng từ thời Lý đến thời Lê sơ là một vượng tộc đã đóng góp cho đất nước nhiều nhân tài, có những cống hiến lớn. Là một dòng họ có tới 63 tiến sĩ qua các triều đại, họ Đặng đã có nhiều cống hiến cho lịch sử dân tộc Việt Nam.

Đặng Thị Mai

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *